Giới thiệu về ngành công nghệ kỹ thuật điện – điện tử

Ngày: 07-04-2023 - Người soạn: Supper Admin

TỔNG QUAN VỀ NGÀNH CNKT ĐIỆN – ĐIỆN TỬ

1. Giới thiệu về ngành công nghệ kỹ thuật điện – điện tử

            Ngành công nghệ kỹ thuật điện – điện tử dành cho các sinh viên có đam mê và sở thích làm việc trong lĩnh vực điện, điện tử. Sinh viên sẽ được đào tạo thành những cử nhân có kiến thức căn bản và kỹ năng nghề vững vàng; có khả năng phân tích, giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực điện-điện tử: có năng lực xây dựng, khai thác, vận hành các hệ thống/thiết bị điện, điện tử. Các cử nhân công nghệ kỹ thuật điện – điện tử cũng có thể triển khai và ứng dụng các công nghệ mới thuộc chuyên ngành đào tạo vào trong thực tiễn sản xuất.

Ngành kỹ thuật Điện – Điện tử được phân thành năm chuyên ngành đó là Điện công nghiệp, Hệ thống điện, Điện tử công nghiệp, Điện tử viễn thông và Kỹ thuật điện lạnh công nghiệp và dân dụng.

  • Chuyên ngành Điện công nghiệp:

Nước ta đang trong quá trình phát triển trở thành một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, do đó nhu cầu sản xuất công nghiệp trên khắp cả nước đang phát triển mạnh mẽ kéo theo nhu cầu sử dụng điện rất nhiều. Điện công nghiệp là chuyên ngành thực hiện thiết kế, thi công hệ thống truyền tải điện, đảm bảo hoạt động truyền tải điện ổn định trên toàn hệ thống. Cử nhân điện công nghiệp thực hiện thiết kế thiết bị điện, hệ thống cung cấp điện trong các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp, vận hành các hệ thống sản xuất tự động.

  • Chuyên ngành Hệ thống điện:

Điện lực là ngành kinh tế mũi nhọn đối với tất cả các ất kỳ quốc gia trên thế giới. Vì vậy, nhu cầu nguồn nhân lực được đào tạo chuyên sâu, có trình độ cao theo chuyên ngành Hệ thống điện luôn rất cần thiết trong tất cả các đơn vị sản xuất, truyền tải và phân phối điện năng. Sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức nghề và kỹ năng mềm có thể tự tin làm các công việc như thiết kế, phát triển, kiểm tra và giám sát việc sản xuất, truyền tải, phân phối và tiêu thụ điện năng.

  • Chuyên ngành Điện tử công nghiệp:

Cùng với xu thế phát triển toàn cầu, chuyên ngành Điện tử công nghiệp là một trong những chuyên ngành đang phát triển mạnh hiện nay. Điện tử công nghiệp là ngành chuyên thực hiện quá trình thiết kế, xử lý và lắp đặt các mạch/thiết bị điện tử, các mạch/thiết bị ứng dụng kỹ thuật cảm biến, các bộ điều khiển có khả năng lập trình được và các hệ thống IoT, …. Sử dụng thành thạo các phần mềm tính toán, mô phỏng thiết kế mạch/thiết bị/hệ thống điện tử như Orcad, Altium, Matlab, v.v. Phân tích và tổng hợp được các mạch điện tử từ đơn giản đến phức tạp; khai thác, vận hành các thiết bị/hệ thống điện tử. Thiết kế, chế tạo các mạch/modul/thiết bị điện tử chức năng ứng dụng trong thực tế;

  • Chuyên ngành Điện tử viễn thông

Điện tử - Viễn thông là một trong những lĩnh vực được đánh giá cao về nhu cầu nhân lực trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay. Chuyên ngành Điện tử - Viễn thông là ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật hiện đại tạo nên các thiết bị truyền thông và các thiết bị điện tử như vô tuyến, điện thoại di động, máy tính, các mạch điều khiển, hệ thống nhúng, ... nhằm xây dựng hệ thống thông tin liên lạc toàn cầu giúp cho việc trao đổi thông tin được thuận tiện hơn, xây dựng các hệ thống tự động giúp cho việc giao tiếp giữa người và máy thân thiện hơn.

 

  • Chuyên ngành Kỹ thuật điện lạnh công nghiệp và dân dụng:

Kỹ thuật điện lạnh công nghiệp và dân dụng là ngành học đang khá hot trong xã hội hiện nay, bởi nhu cầu đời sống cung như trong quá trình phát triển sản xuất hiện nay không thể thiếu lĩnh vực điện lạnh. Cử nhânđiện lạnh sau khi ra trường sẽ thực hiện thiết kế, lắp đặt và vận hành các hệ thống lạnh trong công nghiệp và dân dụng.

2. Phương pháp học tập và nghiên cứu

Ngành công nghệ kỹ thuật điện – điện tử là một trong TOP 5 ngành có tỷ lệ ra trường có việc làm cao nhất thuộc khối ngành kỹ thuật. Tuy nhiên, so với các ngành khác đây vẫn là ngành kén người học. Do vậy, sinh viên khi quyết định theo học ngành này cần có những tố chất phù hợp như sau:

  • Sinh viên cần nâng cao khả năng tự học và nghiên cứu, đọc hiểu tài liệu, song song với các bài giảng trên giảng đường.
  • Trong quá trình học, sinh viên cần tích cực tham gia các hoạt động định hướng ngành học, làm tốt các đồ án môn học.
  • Có thái độ và đạo đức nghề nghiệp đúng đắn, có ý thức kỷ luật và tác phong làm việc công nghiệp, không ngừng rèn luyện năng lực nghề nghiệp chuyên môn.

3. Cơ hội việc làm

Ngành công nghệ kỹ thuật điện - điện tử vẫn luôn là ngành học có cơ hội xin việc dễ dàng trong thời đại công nghiệp 4.0 vì đây là lĩnh vực trọng điểm, luôn được chú trọng đầu tư phát triển trong cơ cấu kinh tế quốc gia và không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt - sản xuất. Tốc độ phát triển nhanh chóng của lĩnh vực Điện tử vẫn đang sản sinh ra nhiều nghề nghiệp mới. Không chỉ các công ty trong lĩnh vực viễn thông như Viettel, VNPT, FPT hay các doanh nghiệp sản xuất như Canon, Sony, Samsung, … mà các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác như điện lực, ngân hàng, giao thông, quốc phòng - an ninh, ... vẫn cần sử dụng hạ tầng mạng viễn thông và máy tính. Điều đó có nghĩa bạn sẽ có nhiều sự lựa chọn để phát triển sự nghiệp tương lai của mình.

4. Chương trình đào tạo

Sinh viên được trang bị các kiến thức cơ sở ngành, chuyên ngành, các kỹ năng mềm, tin học, ngoại ngữ, …

5. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp

- Kỹ thuật viên khai thác, vận hành và bảo trì các hệ thống điện – điện tử trong các doanh nghiệp, xí nghiệp, các nhà máy chế tạo linh kiện, thiết bị điện, điện tử, các nhà máy, công ty liên doanh hoặc nước ngoài có dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại, tự động hóa cao.

- Quản lý sản xuất trong các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh;

- Khởi nghiệp trong các lĩnh vực tư vấn, thiết kế, lắp đặt thiết bị/hệ thống điện, điện tử và viễn thông; kinh doanh các thiết bị điện – điện tử, điện lạnh.

- Công tác tại các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm của doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo kỹ thuật và công nghệ.

- Chuyên viên tư vấn, thiết kế và vận hành kỹ thuật tại các đài phát thanh, đài truyền hình, công ty tư vấn thiết kế mạng viễn thông, sản xuất thiết bị điện tử - viễn thông.

- Vận hành mạng, các mạng di động 2G/ 3G/ 4G/ 5G và cấu trúc mạng cũng như các thuật toán, tham số của tính năng mạng vô tuyến.

- Cán bộ nghiên cứu và phát triển mạng vô tuyến, định vị dẫn đường, thiết bị tín hiệu đa phương tiện về âm thanh, hình ảnh tại các công ty, Tập đoàn về viễn thông.

- Thiết kế và viết phần mềm cho các thiết bị thông minh như điện thoại di động, rô bốt, xe ô tô, ...

 

Tạo bản IN